Tỉnh Ninh Bình: bứt phá công nghiệp từ các cụm vệ tinh xanh
15/07/2025 16:28
Kinhtedothi - Việc sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình để hình thành tỉnh Ninh Bình mới đang mở ra không gian phát triển công nghiệp rộng lớn. Trong đó, các cụm công nghiệp được xem là vệ tinh chiến lược, đóng vai trò chia sẻ chức năng, giảm tải cho khu công nghiệp lớn và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Cụm công nghiệp định hình lại không gian sản xuất liên vùng
Trong giai đoạn 2016-2024, ngành công nghiệp tại 3 tỉnh cũ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,25% mỗi năm, vượt xa mức tăng trưởng chung toàn vùng là 8,75%. Đến năm 2024, công nghiệp chiếm 39,2% trong cơ cấu GRDP, cao hơn cả ngành dịch vụ và nếu tính cả ngành xây dựng, tỷ trọng đạt gần 48%. Những con số này cho thấy vai trò trung tâm của công nghiệp trong cơ cấu kinh tế vùng, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về tổ chức lại không gian sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn và có sự liên kết vùng rõ rệt.
Tỉnh Hà Nam cũ quy hoạch 21 cụm công nghiệp với diện tích hơn 1.000 ha, trong đó đến cuối năm 2024 đã có 19 cụm được thành lập và 14 cụm đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 98%, tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động. Tuy vậy, chỉ có 3 cụm được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, với 2 cụm đạt chuẩn.
Nam Định cũ là địa phương có quy mô quy hoạch lớn nhất với 70 cụm công nghiệp, diện tích hơn 3.100 ha; hiện đã thành lập 36 cụm, 20 cụm hoạt động, thu hút 545 dự án và tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động. Tỉnh này đã đầu tư 5 trạm xử lý nước thải tập trung, trong đó 3 trạm vận hành ổn định.
Về phía Ninh Bình cũ, địa phương này quy hoạch 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.200 ha; đến nay đã có 17 cụm được thành lập, 13 cụm hoạt động, thu hút 362 dự án, giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động, trong đó 5 cụm có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.
Khu công nghiệp Gián Khẩu. Ảnh: Nhiên Chí
Tính đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình mới có 47 cụm công nghiệp đang hoạt động, phân bố khá đồng đều và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất vùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hạ tầng môi trường tại một số cụm còn chưa đồng bộ, thiếu mô hình chuyên ngành và các cụm công nghiệp chưa gắn kết rõ ràng với chuỗi giá trị hoặc vùng nguyên liệu. Mô hình sản xuất làng nghề ở vùng ven và nông thôn vẫn còn phân tán, khai thác tài nguyên đất chưa hiệu quả và chưa gắn kết với chiến lược phát triển bền vững.
Trong bối cảnh này, việc tích hợp lại quy hoạch sau sáp nhập là cơ hội vàng để kết nối các cụm công nghiệp thành mạng lưới vệ tinh hiệu quả cho các khu công nghiệp lớn như Đồng Văn, Bảo Minh, Khánh Phú, Gián Khẩu… Qua, đó nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và tăng năng lực cạnh tranh công nghiệp toàn vùng.
Cụm công nghiệp sinh thái: lối đi xanh cho công nghiệp địa phương
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng phòng Phát triển cụm công nghiệp thuộc Cục Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công (Bộ Công Thương), giai đoạn tới ngành công nghiệp vùng xác định phát triển cụm công nghiệp theo 4 mô hình chủ lực gồm: cụm công nghiệp chuyên ngành theo chuỗi giá trị; cụm công nghiệp sinh thái - công nghệ cao; cụm công nghiệp làng nghề sinh thái và cụm công nghiệp hỗn hợp gắn với đô thị, nông nghiệp và dịch vụ. Trong giai đoạn 2025-2030, tỉnh nên triển khai thí điểm từ 1 đến 2 cụm công nghiệp chuyên ngành, ưu tiên các lĩnh vực cơ khí, lắp ráp, dệt may, chế biến nông thủy sản và logistics. Những cụm công nghiệp này vừa tăng giá trị nội vùng, vừa giúp khu công nghiệp lớn tập trung vào các ngành mũi nhọn.
Bên cạnh đó, địa phương cần đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ xanh, xử lý nước thải, năng lượng tái tạo và phát triển logistics xanh. Đây sẽ là nền tảng cho mô hình sản xuất tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Trong đó, cụm công nghiệp làng nghề sinh thái là một hướng đi nhiều bản sắc. Mô hình này sẽ giúp tập trung hóa sản xuất làng nghề, đồng thời tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, trưng bày và du lịch. Công nghệ sạch, tuần hoàn nước, tiết kiệm năng lượng sẽ được ứng dụng để vừa bảo vệ môi trường, vừa gìn giữ văn hóa bản địa và tạo sinh kế bền vững.
Để hiện thực hóa các định hướng trên, tỉnh cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, ưu đãi đầu tư có chọn lọc để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng có năng lực. Đồng thời, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thứ cấp, đối tượng chiếm tỷ trọng lớn trong các cụm công nghiệp, tiếp cận vốn, công nghệ, không gian sản xuất đạt chuẩn nhằm khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, tiêu thụ ít năng lượng nhưng có giá trị gia tăng lớn.
Trong tương lai, cụm công nghiệp tại Ninh Bình mới không còn là nơi tập trung nhà xưởng đơn thuần mà sẽ trở thành không gian sản xuất đa chức năng, vừa hỗ trợ công nghiệp lớn, vừa đảm nhận vai trò vùng đệm sinh thái và trung tâm liên kết phát triển vùng. Đây cũng là một động lực quan trọng đưa Ninh Bình vươn lên thành cực tăng trưởng phía nam đồng bằng Sông Hồng, trên hành trình hội nhập và chuyển đổi xanh bền vững.
Kinhtedothi - Tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội, công tác phúc lợi cho ĐVHD luôn được đảm bảo, góp phần quan trọng để trung tâm thực hiện tốt công tác ...
Kinhtedothi - Ngày 17/7, Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về việc tăng trường kinh tế 2 con số giai đoạn 2025-2030. Theo đ...
Kinhtedothi – Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, Hà Nội đang xây dựng các chính...
Kinhtedothi - 15 giờ chiều 17/7, Công ty Thuỷ điện Hoà Bình tiếp tục mở thêm 1 cửa xả đáy. Đây là cửa xả đáy thứ 3 được mở để bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện Hoà Bình và...
Kinhtedothi - Tập trung cải thiện hạ tầng, logistics, cải cách hành chính và đồng hành cùng doanh nghiệp là những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Sơn La trong năm 2025, hướng...
Kinhtedothi - Việc thuỷ điện Hoà Bình, Tuyên Quang đồng loạt mở các cửa xả khiến mực nước trên hệ thống sông Hồng lên nhanh. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chỉ đạo các...
Kinhtedothi - Xác định khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và tăng thu ngân sách, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều gi...
Kinhtedothi - Thông tin từ Cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông của Philippines đã mạnh lên thành áp th...
Kinhtedothi – Giới chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Vì vậy, việc duy trì thị phần tại các thị trường truyền thống, tập t...