Điện Biên: chắp cánh đặc sản Mường Lạn theo chuỗi hàng hóa
22/07/2025 20:41
Kinhtedothi - Không chỉ là sản phẩm bản địa giàu bản sắc, vịt cổ ngắn Mường Lạn (xã Mường Lạn, tỉnh Điện Biên) đang được chính quyền và người dân địa phương định hướng phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông thôn.
Nuôi nhiều nhưng chưa thành hàng hóa
Dọc các khe suối, mương nước ở xã Mường Lạn, đàn vịt bơi lội tự do là hình ảnh quen thuộc của người dân địa phương. Khác với chăn nuôi công nghiệp, vịt cổ ngắn Mường Lạn được nuôi bán tự nhiên, không sử dụng cám công nghiệp. Nhờ đó, thịt vịt săn chắc, ít mỡ, thơm ngọt - trở thành món đặc sản được nhiều người ưa chuộng.
Theo bà Lường Thị Vấn (bản Co Sản), hầu như nhà nào ở đây cũng nuôi vịt cổ ngắn, từ vài chục đến hàng trăm con. “Vịt ăn rau, thóc, uống nước suối, lớn chậm nhưng thịt thơm, không bở. Tôi nuôi khoảng 150 con mỗi năm, bán cho bà con quanh vùng, không đủ hàng để bán ra ngoài” - bà Vấn chia sẻ.
Vịt cổ ngắn Mường Lạn được nuôi thả tự nhiên nên chất lượng thơm, ngon, được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: BĐBP
Vịt cổ ngắn không chỉ đặc biệt bởi môi trường nuôi mà còn ở thời gian sinh trưởng dài hơn - từ 4 đến 5 tháng, thay vì chỉ 45 - 60 ngày như giống siêu nạc. Đổi lại, chất lượng thịt vượt trội. Giá bán dao động từ 100.000 - 130.000 đồng/kg, ổn định nhiều năm qua.
Dù có tiềm năng, nhưng vịt cổ ngắn Mường Lạn vẫn chủ yếu được tiêu thụ trong xã hoặc các vùng lân cận. Sản phẩm chưa có nhãn mác, chưa truy xuất được nguồn gốc, việc tiêu thụ chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ. Đáng lo hơn, thời gian qua xuất hiện tình trạng đưa vịt từ nơi khác đến giả danh “vịt cổ ngắn Mường Lạn” để bán giá cao, làm giảm uy tín sản phẩm và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Từ chăn nuôi tự phát đến chuỗi giá trị
Ông Vũ Tiến Thặng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn thừa nhận, hiện xã chưa có hợp tác xã hay đơn vị đứng ra tổ chức sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi. Người dân chủ yếu nuôi tự phát, thiếu đồng bộ quy trình nên chưa đủ điều kiện đăng ký nhãn hiệu.
Nhằm hỗ trợ người dân tạo dựng thương hiệu cho vịt cổ ngắn, đầu năm 2024, chính quyền xã phối hợp ngành chức năng triển khai dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi vịt cổ ngắn thương phẩm theo hướng hàng hóa, với 30 hộ dân tham gia. Dự án cung cấp giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật và giám sát quá trình chăm sóc. Sau 4 tháng, 3.000 con vịt phát triển khỏe mạnh, đạt tỷ lệ sống gần 93%, trọng lượng trung bình trên 2kg/con.
Bà Tòng Thị Phương (bản Hua Ná) cho biết: “Được hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi yên tâm hơn hẳn khi nuôi. Vịt lớn nhanh, ít bệnh, bán thuận lợi. Gia đình tôi đã mở rộng quy mô lên gần 200 con mỗi năm”.
Dự án bước đầu mang lại tín hiệu tích cực, mở ra hướng đi mới cho người dân. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, đây cũng là cơ sở quan trọng để địa phương định hướng sản xuất theo chuẩn OCOP - chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Theo ông Thặng, chính quyền xã đang phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn của huyện và tỉnh nhằm chuẩn hóa quy trình, xây dựng thương hiệu và từng bước phát triển sản phẩm vịt cổ ngắn theo hướng hàng hóa. “Chúng tôi xác định đây là sản phẩm chủ lực trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, là sinh kế bền vững giúp người dân Mường Lạn nâng cao thu nhập, thoát nghèo và làm giàu ngay tại quê hương mình” - ông khẳng định.
Thành công bước đầu của mô hình chăn nuôi vịt cổ ngắn tại Mường Lạn cho thấy tiềm năng lớn của giống vật nuôi bản địa khi được tổ chức sản xuất bài bản, có liên kết và định hướng phát triển phù hợp. Để sản phẩm thực sự “bơi” ra thị trường rộng lớn, rất cần sự tiếp sức của chính quyền, doanh nghiệp và chính người dân.
Kinhtedothi – Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh, giãn bậc thu thuế là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, để chính sách thuế theo kịp đời sốn...
Kinhtedothi - “Thị trường chứng khoán cần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn, là ‘hàn thử biểu’ phản ánh sức khoẻ nền kinh tế” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn ...
Kinhtedothi - Ngày 23/7, Amazon Global Selling Việt Nam và Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade - Bộ Công Thương) đã ký kết hợp tác chiến lược triển khai chương trình "T...
Kinhtedothi - Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão dự kiến sẽ gây sóng to, gió lớn. Tàu thuyền hoạt động trên biển, trong vùng nguy hiểm đều có...
Kinhtedothi - Trong quý 2/2025, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) đạt lãi trước thuế 7.900 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử, cho thấy hiệu quả...
Kinhtedothi - Theo Thông tư 86/2024/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, từ tháng 7/2025, mã số thuế cá nhân và mã số thuế hộ kinh doanh sẽ được thống nhất bằng mã định danh ...
Kinhtedothi - Với lợi thế về nông sản, dược liệu,… Sơn La đã và đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB), gắn với xây dựng vùng nguyên l...
Kinhtedothi - Không chỉ là sản phẩm bản địa giàu bản sắc, vịt cổ ngắn Mường Lạn (xã Mường Lạn, tỉnh Điện Biên) đang được chính quyền và người dân địa phương định hướng ph...
Kinhtedothi - Bão số 3 được nhận định sẽ gây mưa lớn diện rộng kéo dài tại nhiều tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ, bao gồm cả Hà Nội. Hiện, TP đang chỉ đạo các sở ngành, 126 phườn...